QUY CHẾ PHÒNG THÍ NGHIỆM
Quy chế này quy định việc quản lý, tổ chức và hoạt động của các phòng thí nghiệm thuộc khoa CNHH & TP nhằm đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng các phòng thí nghiệm một cách hiệu quả nhất.
Điều 1 – Quản lý phòng thí nghiệm
- Phó trưởng khoa phụ trách CSVC có trách nhiệm và nhiệm vụ quản lý tất cả các phòng thí nghiệm (PTN) của khoa. Xem xét đề nghị của các trưởng bộ môn về sửa chữa PTN, mua sắm trang thiết bị lẻ hàng năm cũng như an toàn khi vận hành PTN để giải quyết công việc kịp thời để phục vụ cho đào tạo và NCKH.
- Trưởng bộ môn là người chịu trách nhiệm và có nhiệm vụ điều hành tất cả các phòng thí nghiệm (PTN) của bộ môn nhằm sử dụng PTN đúng mục đích và hiệu quả. Phân công công việc cho phó trưởng bộ môn và nhân viên PTN tham gia quản lý và vận hành PTN.
- Nhân viên quản lý PTN quản lý trực tiếp phòng thí nghiệm theo sự phân công của trưởng bộ môn, chịu trách nhiệm trước trưởng bộ môn về quản lý dung cụ & thiết bị trong PTN đã được giao.
- Trưởng và phó trưởng bộ môn phối hợp với phó trưởng khoa phụ trách cơ sở vật chất chịu trách nhiệm về hoạt động, về việc khai thác, sử dụng trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật của các phòng thí nghiệm trực thuộc bộ môn, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Điều 2 – Chức năng của phòng thí nghiệm
Chức năng của phòng thí nghiệm thực hiện lần lượt theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Phòng thí nghiệm là nơi tổ chức việc giảng dạy các môn học thí nghiệm/thực tập/thực hành/đồ án của các bộ môn thuộc khoa CNHH&TP.
2. Phòng thí nghiệm là nơi tổ chức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên thuộc khoa CNHH&TP.
3. Phòng thí nghiệm là nơi thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ, triển khai các hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Điều 3 – Nguyên tắc sử dụng phòng thí nghiệm
Sinh viên vào xưởng thực tập hay PTN học các môn thí nghiệm và thực hành phải được phổ biến nội quy PTN và hướng dẫn sử dụng dụng cụ, máy móc và thiết bị trong PTN. Cấm tuyệt đối sinh viên tự ý sử dụng dụng cụ, máy móc và thiết bị trong PTN khi chưa được hướng dẫn.
Nội quy xưởng thực tập và PTN gồm 8 điều kèm theo như sau:
1. Ra vào xưởng, phòng thí nghiệm đúng giờ quy định.
2. Mặc đồng phục, đeo bảng tên theo quy định.
3. Thực tập – thí nghiệm theo sự hướng dẫn của giảng viên.
4. Tuân thủ các quy định an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, tiết kiệm điện nước.
5. Sắp xếp trật tự - bảo quản các trang thiết bị, vật tư thực tập.
6. Vệ sinh nhà xưởng, thiết bị sau khi thực tập – thí nghiệm.
7. Ghi chép đầy đủ vào nhật ký sử dụng thiết bị, phòng thí nghiệm.
8. Thông báo cho người có trách nhiệm nếu có hư hỏng về thiết bị, dụng cụ.
- Giảng viên, sinh viên khoa CNHH&TP sử dụng phòng thí nghiệm nhằm mục đích giảng dạy, học tập và nghiên cứu phải thông báo kế hoạch làm việc với nhân viên PTN, phải có trách nhiệm giữ gìn trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật trong thời gian làm việc.
- Khi sử dụng phòng thí nghiệm và thiết bị, người sử dụng cần phải ghi vào nhật kí. Nhân viên PTN có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện.
- Khi có các hư hỏng xảy ra đối với các thiết bị/dụng cụ...cá nhân sử dụng phải có trách nhiệm báo với nhân viên PTN. Cá nhân sử dụng chịu trách nhiệm sửa chữa/bồi thường về nguyên trạng trong các trường hợp sau: (1) không báo cáo kịp thời cho nhân viên PTN; (2) vận hành sai hướng dẫn sử dụng. Nhân viên PTN có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện.
+ Trong trường hợp không có sự thống nhất giữa cá nhân làm hư hỏng và cán bộ PTN thì trưởng bộ môn (hoặc phó trưởng bộ môn) sẽđưa ra quyết định xử lý.
+ Trong trường hợp không có sự thống nhất ở cấp bộ môn thì phó trưởng khoa phụ trách cơ sở vật chất sẽ đưa ra quyết định xử lý.
- Giảng viên, sinh viên không mang đồ ăn, nước uống vào xưởng thực tập hay PTN để ăn sáng hoặc ăn trưa. Cấm tuyệt đối đùa giỡn và các hành động vô ý thức trong PTN.
- Xưởng thực tập và PTN phải thực hiện và duy trì 5S theo quy định của nhà trường.
- Không được mang máy móc thiết bị ra khỏi PTN khi chưa có sự cho phép của trưởng (phó) Bộ môn, không được mang máy móc thiết bị ra khỏi khỏi trường khi chưa có sự cho phép của phó trưởng khoa phụ trách PTN.
- Cá nhân, tổ chức ngoài trường muốn sử dụng phòng thí nghiệm phải ký kết hợp đồng sử dụng phòng thí nghiệm với khoa CNHH&TP và chỉ được sử dụng phòng thí nghiệm khi có mặt nhân viên PTN (hoặc người được phân công). Các tổ chức, cá nhân trên được quyền sử dụng trang thiết bị của phòng thí nghiệm để nghiên cứu và được nhận các dịch vụ cần thiết để tiến hành nghiên cứu theo các điều khoản của hợp đồng.
Điều 4. Quản lý thu – chi phòng thí nghiệm
1. Nguồn thu từ phòng thí nghiệm
- Giá cho các cá nhân hoặc tổ chức ngoài trường thuê phòng thí nghiệm (được sử dụng các thiết bị cơ bản) để thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ được qui định như sau:
+ Thuê theo ngày: 300.000 đồng/ngày, sinh viên/học viên giảm 50%;
+ Thuê theo tháng: 3.000.000 đồng/tháng, sinh viên/học viên giảm 50%.
- Trong quá trình thuê phòng thí nghiệm, cá nhân hoặc tổ chức thuê được sử dụng một số dụng cụ thiết bị cơ bản trong phòng thí nghiệm. Với một số thiết bị/máy móc hiện đại, giá cho thuê sẽ được phó trưởng khoa phụ trách cơ sở vật chất quyết định theo từng trường hợp cụ thể. Tiền thuê các dịch vụ nói trên phải trích 50% vào quỹ bộ môn trực tiếp quản lý phòng thí nghiệm và 50% sẽ được chuyển vào quĩ PTN của khoa. Với các vật tư tiêu hao, cá nhân sử dụng phải chịu trách nhiệm chi trả 100% chi phí.
- Nhân viên PTN (hoặc người được phân công) phải có mặt và chịu trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của phòng thí nghiệm trong thời gian cho các tổ chức, cá nhân thuê phòng thí nghiệm. Các cán bộ này sẽ được hưởng phụ cấp 10% (trích từ khoản % mà quĩ PTN của khoa nhận được).
- Các dự án/đề tài khoa học và công nghệ của GV có sử dụng PTN (trừ các đề tài Sv và GV, không phải là cấp trường trọng điểm) phải trích 1% giá trị hợp đồng vào quỹ bộ môn trực tiếp quản lý các phòng thí nghiệm được sử dụng trong dự án đó và 1% vào quỹ PTN của khoa.
2. Các khoản chi cho phòng thí nghiệm
Khi cần sửa chữa đột xuất các máy móc, thiết bị của phòng thí nghiệm hoặc tăng cường một số dụng cụ cho phòng thí nghiệm để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, ngoài các nguồn chi do nhà trường quy định, có thể trích kinh phí từ nguồn quỹ PTN của bộ môn (do Trưởng bộ môn quyết định) hoặc từ nguồn quỹ PTN của khoa (do Phó trưởng khoa phụ trách cơ sở vật chất).
TRƯỞNG KHOA CNHH&TP