Tác giả :

 Q&A KHOA CN HÓA HỌC-THỰC PHẨM-MÔI TRƯỜNG

 

I.       Câu hỏi về ngành nghề

Ngành Môi trường

1.     Công nghệ môi trường và công nghệ kỹ thuật môi trường khác nhau hay giống nhau về hình thức đào tạo và về chuyên môn. 

Trả lời:

Mã ngành đào tạo của Bộ GD&TĐ quy định tên gọi là Công nghệ kỹ thuật Môi trường (52510406), tuy nhiên có một số cách gọi ngắn gọn là Công nghệ môi trường. Vì vậy hình thức đào tạo của hai tên gọi này là một.

2.     Sinh viên ngành công nghệ môi trường khác như thế nào so với sinh viên ngành khoa học môi trường?

Trả lời:

Khoa học môi trườnglà ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của con người trên trái đất. Còn công nghệ kỹ thuật môi trường đào tạo những kỹ sư có khả năng thiết kế và vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị, dụng cụ đo kiểm soát môi trường, các hệ thống thiết bị công nghệ xử lý môi trường; thống kê, quản lý, xây dựng, thẩm định các dự án về môi trường

3.     Sao ngành công nghệ môi trường không phân chuyên ngành cụ thể như bên quản lý/bên kỹ thuật để học chuyên sâu hơn ?

Trả lời:

Hiện nay CTĐT của ngành môi trường là Công nghệ Kỹ thuật môi trường, và Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những Kỹ sư CNKTMT, tuy nhiên có một vài bạn mong muốn làm việc trong các lĩnh vực về quản lý môi trường vì vậy Bộ môn cho phép các SV này là đề tài theo hướng quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai.

Trong vài năm tới, Khoa sẽ mở thêm ngành đào tạo về Quản lý Tài nguyên và môi trường để đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như nguyện vọng của Sinh viên.

4.     Học công nghệ môi trường sẽ được làm việc trong những lĩnh vực nào? Ở đâu?

Trả lời:

Sinh viên ngành công nghệ môi trường ra trường sẽ làm được những vị trí như sau:

-        Thiết kế và vận hành hệ thống xử lý chất thải.

-        Quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường.

-        Tư vấn và lập các báo cáo về Bảo vệ môi trường như ĐTM, CM, CDM,…

-        Xây dựng các quy trình Giám sát An toàn-Sức khỏe-Môi trường (HSE), ISO, OHSAS,…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc trong khu công nghiệp, các Nhà máy xử lý chất thải, các Trạm quan trắc môi trường, các Công ty tư vấn về môi trường, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước chuyên trách về bảo vệ môi trường, các nhà máy có hệ thống quản lý môi trường và an toàn lao động.

5.     Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật môi trường ?

Trả lời:

Theo Quy hoạch phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 -2015 và định hướng đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường bổ sung lực lượng công chức, viên chức đang công tác đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 lên đến 45.000 người. Nhu cầu nguồn lực tại môi trường doanh nghiệp trong giai đoạn 2012-2015 là 30.000 người. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng nguốn nhân lực này cho tất cả các lĩnh vực.

6.     Các thầy, cô có giúp sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp không? 

Trả lời:

Sinh viên sẽ được giới thiệu và định hướng nghề nghiệp ngay khi vừa vào trường đại học với môn học “Nhập môn ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường”. Thông qua môn học sinh viên sẽ được hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, ngành nghề môi trường hiện tại và tương lai. Ngoài ra trong quá trình học, sinh viên được đi tham quan thực tế tại các nhà máy, rừng sinh thái,… nhằm tiếp cận những công việc thực tế liên quan đến ngành môi trường.

7.     Sau khi ra trường có được giới thiệu việc làm không ạ?

Trả lời:

Hiện nay, trường có Trung tâm Dịch vụ Sinh viên có nhiều chức năng, trong đó có chức năng giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên trong quá trình học; Phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệptổ chức các ngày hội việc làm và thường xuyên giới thiệu thông tin tuyển dụng từ các Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giới thiệu này không đảm bảo cho toàn bộ sinh viên sẽ có việc làm mà tuỳ vào kỹ năng cũng như kết quả học tập của các bạn trong 4 năm học đại học.

8.     Doanh nghiệp luôn đòi hỏi tuyển dụng một người có kinh nghiệm thực tế, nhưng sinh viên mới ra trường thì không có kinh nghiệm, vậy sinh viên phải là làm gì để đáp ứng được điều này cho doanh nghiệp?

Trả lời:

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, bắt đầu từ năm 2012, ngành CNKTMT xây dựng chương trình học 150 tín chỉ với 20 tín chỉ thực hành – thực tập, nhiều đồ án và tham quan thực tế, thực tập tốt nghiệp. Đặc biệt, sinh viên luôn được đi tham quan thực tế ở mỗi học kỳ và tham gia thực tập tốt nghiệp (1 tháng) ở doanh nghiệp để có thể nắm bắt được những công việc thực tế, từ đó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM luôn khuyến khích giảng viên áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, giảng dạy theo phương pháp tích cực hoá người học giúp sinh viên rèn luyện nhiều kỹ năng, rèn luyện tính năng động, sáng tạo cho sinh viên trong suốt 4 năm học. Bên cạnh đó những trải nghiệm của sinh viên qua các công tác xã hội hoặc việc làm thêm cũng là một trong những kinh nghiệm thực tế mà nhà tuyển dụng quan tâm

9.     Ngành công nghê môi trường có những thế mạnh nào?

Trả lời:

Ngày nay, môi trường không còn là vấn đề của một địa phương hay một quốc gia nào nữa mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại, một vấn đề toàn cầu. Chính vì vậy, ngành môi trường luôn là sự lựa chọn của rất nhiều thí sinh trong các mùa tuyển sinh gần đây

10. Nữ học ngành công nghệ môi trường có hợp không? Và khó khăn như thế nào khi nữ học ngành môi trường? Làm sao để phát huy thế mạnh của nữ trong ngành môi trường.

Trả lời:

Ngành Môi trường phù hợp với tất cả các bạn cả nam lẫn nữ. Không riêng gì ngành Môi trường mà ngành nào cũng vậy, việc học rất vất vả, có như vậy các bạn mới đạt được thành quả cao. Là nữ giới, đức tính nhẫn nại, chịu khó và mềm mỏng trong xử lý công việc sẽ là thế mạnh cho các em trong các mảng công việc như làm Thiết kế, làm Đánh giá tác động Môi trường, làm HSE, làm tại các cơ quan nhà nước chuyên trách về Môi trường...

11. Khi em học ra trường tốt nghiệp ngành môi trường thì có thể vào Sở Tài nguyên và Môi trường được không?Và có thể đảm nhận những công việc gì?

Trả lời:

Có. Tùy vào cơ cấu tổ chức của mỗi địa phương sẽ có các phòng ban chức năng như sau: Quản lý tài nguyên đất, quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý chất lượng môi trường, quản lý vệ sinh đô thị…. Đối với mỗi phòng chức năng sẽ có những công việc tương ứng phù hợp với chuyên ngành Môi trường

12. Ngành công nghệ môi trường của trường có bậc đào tạo cao đẳng không ?

Trả lời:

Hiện tại, trường không có đào tạo bậc cao đẳng ngành công nghệ môi trường.

Ngành CN Thực phẩm

13. Ngành Công nghệ Thực phẩm hiện nay có phải là ngành “hot” không?

Trả lời:

TheoBan nghiên cứu thông tin thị trường việc làm – tuyển dụng- công ty Đức Anh A&T:Gia nhập ngành công nghệ thực phẩm giàu tiềm năng”, được đăng: 02/01/2014 03:55 UTC. CN Thực phẩm xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012-2015, đang dần định hình vị thế của mình trong đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu nhân lực trình độ cao cho ngành này vẫn còn là một bài toán chung cho các công ty, nhà máy thuộc lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng. Vì vậy, ngành công nghệ thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều cơ hội cho những ai có đam mê.

14. Ngành Công nghệ thực phẩm có gì khác với ngành Nữ công gia chánh?

Trả lời:

Khác với lĩnh vực nữ công gia chánh, ngành công nghệ thực phẩm sẽ cung cấp cho các bạn các kiến thức về các lĩnh vực như: khoa học thực phẩm, vi sinh thực phẩm, kỹ thuật thực phẩm, công nghệ chế biến các sản phẩm thực phẩm trên quy mô công nghiệp, quản lý chất lượng thực phẩm, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu phát triển các sản phẩn thực phẩm mới...

15. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có thể làm việc ở những lĩnh vực nào?

Trả lời:

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có thể đảm nhận những vị trí sau: (i) Các công ty sản xuất thực phẩm với vai trò là các cán bộ quản lý chất lượng (QA/QC/KCS), các nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, các nhân viên giám sát sản xuất, các cán bộ quản lý phân xưởng (quản đốc, phó quản đốc)…(ii) Các trường Đại học, các viện nghiên cứu thực phẩm, các trung tâm Y tế dự phòng, các trung tâm phân tích thực phẩm…(iii) Các công ty chuyên cung cấp phụ gia, hóa chất, hương liệu dùng trong ngành công nghệ thực phẩm, các công ty chuyên cung cấp máy móc, thiết bị dùng trong ngành công nghệ thực phẩm…

16. Công nghệ thực phẩm được chia thành các lĩnh vực nào?

Trả lời:

Công nghiệp thực phẩm được chia làm các lĩnh vực chuyên ngành chính sau:

+ Công nghiệp chế biến thịt 

+ Công nghiệp chế biến thủy hải sản

+ Công nghiệp chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa

+ Công nghiệp chế biến rau quả và các sản phẩm từ rau quả

+ Công nghiệp chế biến đường và bánh kẹo

+ Công nghiệp chế biến dầu thực vật và các sản phẩm từ dầu

+ Công nghiệp chế biến lương thực

+ Công nghiệp chế biến rượu bia và nước giải khát

+ Công nghiệp chế biến trà, ca cao và cà phê

17. Làm sao để em có thể học tốt các môn cơ sở ngành CNTP (vì nó là môn học nền tảng) với khối lượng kiến thức khá nhiều?  "Có quá nhiều thứ phải ghi nhớ" 

Trả lời:

Hệ thống lại những gì đã học. Bạn sẽ nhớ lại những kiến thức đã học tốt hơn, có hệ thống hơn nếu chúng được trình bày trong một dàn ý có tổ chức. Có nhiều cách có thể giúp bạn hệ thống tổ chức một lượng kiến thức mới, chúng bao gồm những cách sau: Lập dàn ý hay làm tóm tắt, chú trọng vào quan hệ giữa các phần các chương; Nhóm các ý thành từng nhóm, từng mục một nếu có thể; Lập sơ đồ tư duy

18. Ngành công nghệ thực phẩm khác Ngành đảm bảo và an toàn thực phẩm ở điểm nào?

Trả lời:

Ngành công nghệ thực phẩm và ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm giống nhau ở khối kiến thức đại cương và cơ sở ngành, tuy nhiên trong giai đoạn chuyên ngành thì ngành công nghệ thực phẩm tập trung nhiều vào các kiến thức liên quan đến công nghệ chế biến thực phẩmtrong khi ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm ngoài khối kiến thức công nghệ thì hướng chuyên sâu liên quan đến khối kiến thức về kiểm định và quản lý trong lĩnh vực thực phẩm. Cả hai ngành này đều có cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm như đường, sữa, rượu, bia, nước giải khát, chế biến lương thực, thủy sản, xuất nhập khẩu …Ngoài ra, các em có thể làm trong các cơ quan quản lý về thực phẩm tại các sở công thương, y tế, nông nghiệp, chi cục quản lý thị trường….

 

II.    Chương trình đào tạo

19. Tại sao học Khoa Công nghệ hóa và thực phẩm phải học vật lý đại cương?

Trả lời:

Vật lý đại cương A1 trang bịcho sinh viên các kiến thức vật lý cơbản vềcơhọc, nhiệt động lực, điện và từ nhằm mục đích ứng dụng trong khoa học kỹthuật chuyên ngành sau này. Vật lý đại cương A2 trang  bị cho  sinh  viên  các  kiến  thức  vật  lý  cơ bản  về lý  thuyết  tương  đối Einstein, quang học, vật lý lượng tử, nhằm mục đích ứng dụng trong khoa học kỹ thuật chuyên ngành sau này.  Phần thực hành là mônhọc bổ sung cho sinh viên những kiến thức về bản chất các hiện tượng vật lý xảy ra trong thực tế cuộc sống, rèn luyện cho các kỹ sư tương lai kỹ năng đo lường và tính toán.

20. Cách tìm kiếm tài liệu?

Trả lời:

Có rất nhiều nguồn để tìm kiếm tài liệu. Chẳng hạn là trong thư viện, tài liệu do giáo viên phát, trên mạng, trên các trang web chuyên ngành, các bài báo bằng tiếng việt, tiếng anh…

21. Cần học tiếng anh giao tiếp hay Toeic?

Trả lời:

Chuẩn đầu ra của Chương trình 150TC yêu cầu Toeic 450, tuy nhiên các bạn có thể học bất kỳ chứng chỉ nào (được Nhà trường và xã hội chấp nhận) mà có thể đảm bảo các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, các bạn có ý định du học thì cần phải đạt các loại chứng chỉ như IELTS hoặc TOEFL.

22. Em có nguyện vọng học thêm môn tự chọn ngoài số tín chỉ trong chương trình có được không?

Trả lời:

Sinh viên muốn mở lớp học môn thêm ngoài chương trình học trong học kỳ đang học có thể lập danh sách những bạn đăng ký (số lượng môn lý thuyết là 30 và môn thực hành là 20) sẽ được mở lớp học theo yêu cầu.

23. Tại sao sinh viên lại phải học những môn học không liên quan đến chuyên ngành thực phẩm như Lịch sử Đảng, Triết học.....

Trả lời:

Chương trình đào tạo của trường chúng ta phải tuân thủ theo chương trình khung do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành. Chương trình bắt buộc phải gồm 2 khối kiến thức là giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu đào tạo ra người kỹ sư phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có sức khỏe… Vì vậy, các bạn sinh viên phải bắt buộc hoàn thành xong các môn học như Lịch Sử Đảng, Triết học…

24. Sinh viên học theo chương trình trước chương trình CDIO áp dụng từ khóa 2012. Nếu rớt môn học nào đó mà trong chương trình mới không có môn học đó thì phải làm sao? có ảnh hưởng gì đến quá trình xét tốt nghiệp không?

Trả lời:

Hiện tại sinh viên khóa K11, K10 học theo chương trình đào tạo 180 tín chỉ. Còn Sinh viên các khóa K12 trở về sauhọc theo chương trình 150 tín chỉ. Nếu các bạn K11, K10 rớt các môn học nào đó mà trong chương trình 150 tín chỉ không có hoặc có số tín chỉ không tương đương thì chỉ cần bộ môn và khoa xác nhận môn học đã rớt tương đương với 1 môn học nào đó trong chương trình 150 tín chỉ thì các bạn được đăng ký để học môn thay thế và vẫn được xét tốt nghiệp bình thường (nếu như các bạn tích lũy đủ số tín chỉ theo yêu cầu.)

25. Tại sao chương trình 150 tín chỉ được gọi là chương trình tiếp cận CDIO?

Trả lời:

CDIO được viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement – Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. Hiện nay, mô hình này được các trường ĐH, CĐ trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội (XH) trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Chương trình 150 tín chỉ của ngành chúng ta hiện tại cũng được xây dựng theo hướng tiếp cận với các tiêu chí của CDIO.

26. Sinh viên có nên đăng ký học vượt hay không?

Trả lời:

Việc đăng ký học vượt để hoàn thành chương trình học hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ, năng lực và sự quyết tâm của các bạn sinh viên. Tuy nhiên các bạn sinh viên cần lưu ý, hiện tại chương trình học cho từng học kỳ của các bạn đã được bộ môn sắp xếp cho phù hợp với năng lực và khả năng của đa số các bạn sinh viên. Lượng kiến thức trong từng học kỳ cũng đã được các thầy cô tính toán hợp lý. Vì vậy, các bạn sinh viên phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định học vượt, nhằm tránh tình trạng các bạn khi đăng ký học vượt lại có điểm trung bình tích lũy thấp.

27. Sự khác nhau giữa môn học tiên quyết và môn học song hành như thế nào?

Trả lời:

Phân loại theo trình tự tổ chức giảng dạy và học tập trong chương trình đào tạo bao gồm các loại môn học:

Ø  Môn học bình thường: Các môn học không có điều kiện tiên quyết hoặc yêu cầu học trước khi sinh viên đăng ký học tập.

Ø  Môn học tiên quyết: Môn học A là môn học tiên quyết của môn học B: điều kiện để sinh viên đăng ký học môn học B là kết quả học tập môn học A phải đạt yêu cầu theo quy định của nhà trường.

Ø  Môn học trước: Môn học A là môn học trước của môn học B: điều kiện để đăng ký học môn học B là sinh viên đã đăng ký và được xác nhận học xong môn A (có thể chưa đạt). Sinh viên được phép đăng ký học môn B vào học kỳ tiếp sau học kỳ đã học môn A.

Ø  Môn học song hành: Môn học A là môn học song hành của môn học B: điều kiện bắt buộc để đăng ký học môn học B là sinh viên đã đăng ký học môn học A. Sinh viên được phép đăng ký học môn học B vào cùng học kỳ đã đăng ký học môn học A hoặc vào các học kỳ tiếp sau.

Ø  Môn học tương đương: Môn học tương đương là một hay một nhóm môn học thuộc chương trình đào tạo của một khóa – ngành khác đang tổ chức đào tạo tại trường mà sinh viên được phép tích lũy để thay thế cho một hay một nhóm môn học trong chương trình đào tạo của khóa - ngành đang theo học.

Môn học thay thế: Môn học hoặc một nhóm môn học mà sinh viên được phép tích lũy để thay thế cho một môn học có trong chương trình đào tạo của khóa – ngành đang theo học nhưng không còn tổ chức giảng dạy do điều chỉnh chương trình đào tạo.

Ngành Môi trường

28. Ngành công nghệ môi trường đào tạo những nội dung gì?

Trả lời:

Kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường (CNKTMT) đào tạo khối kiến thức về đại cương (Toàn, lý, hóa…), khối kiến thức cơ sở ngành (Môi trường đại cương, Quá trình thiết bị, Vi sinh môi trường, Hóa phân tích môi trường…) làm nền tảng cho khối kiến thức chuyên ngành (Kỹ thuật xử lý nước cấp, nước thải, không khí, chất thải rắn, quản lý chất lượng môi trường…) nhằm giúp các bạn có khả năng nhận biết, phân tích, giải quyết vấn đề và đề xuất các giải pháp, có năng lực thiết kế, xây dựng và quản lý các hệ thống xử lý chất thải.

29. Học ngành công nghệ môi trường sinh viên sẽ được học những môn/kỹ năng gì?

Trả lời:

Sinh viên ngành công nghệ môi trường sẽ được đào tạo kỹ năng trong suốt quá trình học đại học thông qua hoạt động trong từng môn học như:

- Khả năng điều hành và làm việc nhóm.

- Khả năng giao tiếp bằng văn bản, phương tiện điện tử, thuyết trình, đàm phán.

- Khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.

30. Trong quá trình học sinh viên có được đi tham quan thực tế không? 

Trả lời:

Sinh viên được đi tham quan thực tế ít nhất 1 lần/học kỳ từ năm 3 nhằm tìm hiểu về hoạt động môi trường ở nhà máy, các công nghệ xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn, nước cấp… tương ứng với môn học từng học kỳ.

31. Có một số môn tự chọn thì nên là môn chính vì nó khá cần thiết như môn quan trắc môi trường ?

Trả lời:

Cho chương trình học gói gọn trong 4 năm với 150 tín chỉ nên việc cung cấp cho sinh viên đáp ứng những nội dung trọng tâm và cơ sở cho ngành công nghệ môi trường. Những môn học tự chọn góp gần giúp cho sinh viên chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp cho lĩnh vực chuyên sâu của mình trong tương lai. Do đó, không phải môn quan trắc môi trường quan trọng còn những môn khác không quan trọng mà do mỗi sinh viên sẽ định hướng cho mình để có thể chọn lựa môn học phù hợp cho mình.

32. Ngành công nghệ môi trường học rất nhiều môn nhưng đa số môn học thì ít chuyên sâu lắm? (câu hỏi từ một bạn sinh viên năm 2)

Trả lời:

Với chương trình năm 2 thì sinh viên mới tiếp cận được những kiến thức cơ sở ngành. Những kiến thức này chưa chuyên sâu về ngành nghề nhưng các bạn sẽ được cung cấp kiền thức nền tảng để có thể học những môn chuyên ngành cốt lõi ở năm 3 và năm 4.

 

Ngành CN Thực phẩm

33. Khoa CNTP có chia chuyên ngành để học hay không?

Trả lời:

Khoa CNTP không chia chuyên ngành mà sẽ học toàn bộ các môn liên quan đến ngành CNTP, đến khi làm đồ án tốt nghiệp sinh viên sẽ chọn chuyên ngành và giáo viên hướng dẫn để làm đề tài.

34. Làm sao để học tốt môn chuyên ngành?

Trả lời:

Muốn học tốt môn chuyên ngành trước hết phải học tốt môn cơ sở ngành, đó là những môn có kiến thức cơ bản nhất, tạo nền tảng học môn chuyên ngành.

35. Điều kiện để sinh viên được làm luận văn tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm?

Trả lời:

Cho đến thời điểm này, tất cả sinh viên ngành công nghệ thực phẩm nếu đến thời điểm làm luận văn có tổng số tín chỉ tích lũy đủ theo Quy chế 43 đều được bộ môn cho thực hiện luận văn tốt nghiệp

36. Sinh viên theo học ngành công nghệ thực phẩm có được đăng ký học Sư phạm hay không?

Trả lời:

Hiện nay ngành Công nghệ thực phẩm đã được nhà trường phân bổ chi tiêu đào tạo Sư phạm (30 chỉ tiêu/năm học 2014-2015). Vì vậy, nếu bạn sinh viên nào mong muốn theo hướng sư phạm thì có thể nộp đơn xin phục vụ sư phạm (theo mẫu trong Sổ tay sinh viên) và Hồ sơ theo yêu cầu tại VK để được xét duyệt (thời hạn trước 15/10 hàng năm).

 

III.  Nghiên cứu khoa học

37. Tại sao phải làm nghiên cứu khoa học?

Trả lời:

Nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng rất lớn song song với đào tạo,NCKH gắn liền với năng lực giảng dạy của giảng viên và năng lực học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, các sản phẩm nghiên cứu khoa học còn là một trong những tiêu chí giúp nâng cao vị thế của bộ môn, Khoa và Nhà trường và là nền tảng cho các chương trình hợp tác và quan hệ quốc tế. Từ những định hướng đó, Nhà trường nói chung và Khoa, bộ môn nói riêng đã khuyến khích, động viên giảng viên và sinh viên tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Sự cộng tác giữa giảng viên-giảng viên, giảng viên-sinh viên trong các đề tài nghiên cứu không những giúp nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tăng cường tinh thần đoàn kết nội bộ và sự thông hiểu giữa giảng viên và sinh viên.

38. Sinh viên có được tham gia nghiên cứu khoa học không?

Trả lời:

Sinh viên năm 2 bắt đầu được tham gia nghiên cứu khoa học hoặc tham gia học cách nghiên cứu khoa học của các nhóm nghiên cứu của sinh viên năm cuối để từ đó hình thành ý tưởng cũng như cách thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học.

39. Sinh viên có thể bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm học thứ mấy?

Trả lời:

Việc nghiên cứu khoa học vào năm mấy còn tùy thuộc vào sự say mê nghiên cứu khoa học và quỹ thời gian của từng bạn sinh viên. Đối với ngành CN Thực phẩm các bạn có thể bắt tay vào nghiên cứu khoa học sau khi đã hoàn thành xong một số môn cơ sở ngành như Hóa học Thực phẩm, Vi sinh Thực phẩm, Hóa sinh…tức là khoảng cuối năm 2 hoặc trong năm 3.

40. Sinh viên cần đáp ứng điều gì để tham gia nghiên cứu khoa học?

Trả lời:

Sinh viên cần có niềm đam mê với ngành nghề, đam mê nghiên cứu khoa học và học lực phải đảm bảo loại khá trở lên để việc nghiên cứu khoa học không ảnh hưởng đến kết quả học tập.

41. Sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nào?

Trả lời:

Sinh viên ngành công nghệ môi trường có thể tham gia nghiên cứu khoa học các lĩnh vực sau:

-        Nghiên cứu điều chế các vật liệu hấp phụ dùng trong xử lý nước và nước thải.

-        Nghiên cứu công nghệ xử lý nước và nước thải bằng các phương pháp lý hoá và sinh học.

-        Nghiên cứu tận dụng phế phẩm và nguồn năng lượng tái tạo.

-        Đánh giá hiện trạng và giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

Sinh viên ngành công nghệ Thực phẩm có thể tham gia nghiên cứu khoa học các lĩnh vực sau:

-        Ứng dụng công nghệ lạnh và sấy (sấy thăng hoa, sấy lạnh, sấy hồng ngoại…) trong chế biến và bảo quản thực phẩm

-        Nghiên cứu xây dựng qui trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau quả, sữa…

-        Nghiên cứu ứng dụng một số enzyme trong chế biến thực phẩm

-        Nghiên cứu ứng dụng của vi sinh vật trong chế biến và bảo quản thực phẩm

-        Nghiên cứu các kỹ thuật cố định vi sinh vật, các kỹ thuật vi bao probiotic và các chất có hoạt tính sinh học

-        Nghiên cứu về toán ứng dụng trong công nghệ thực phẩm

-        Nghiên cứu về các kỹ thuật lên men hiện đại để sản xuất một số sản phẩm trao đổi chất bậc một và sản phẩm trao đổi chất bậc hai

-        Nghiên cứu các phương pháp hóa học, vật lý và sinh học để biến tính các đại phân tử sinh học

42. Khi tiến hành đăng ký nghiên cứu khoa học thì cần phải làm các thủ tục gì?

Trả lời:

-        Đầu tiên: Các bạn có thể liên hệ Giảng viên (thuộc Khoa, Trường hoặc bên ngoài trường) để tìm hiểu về những nội dung mình định thực hiện hoặc cần sự tư vấn của các thầy cô.

-        Bước tiếp theo: đăng ký các biểu mẫu NCKH của sinh viên (form các biểu mẫu các em có thể download từ phòng Quản lý khoa học & QHQT)

-        Tiếp theo: Gởi lại các biểu mẫu cho khoa, khoa tổng hợp và họp Hội đồng khoa học Khoa để xét duyệt đề tài.

-        Sau khi có quyết định từ Phòng Quản lý khoa học & QHQT, các em có thể tiến hành thực hiện các nghiên cứu của đề tài.

43. Nhà trường, khoa và Bộ môn tạo điều kiện gì cho sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học?

Trả lời:

-        Nhà trường, Khoa và Bộ môn luôn khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cụ thể như sau:

-        Sinh viên (nhóm sinh viên) sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện đề tài NCKH từ nhà trường.

-        Được phép sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Khoa, trường thực hiện nghiên cứu.

-        Được sự hướng dẫn của các Thầy cô quản phòng thí nghiệm về việc vận hành thiết bị, máy móc.

-        Sự hỗ trợ của các Giảng viên chuyên ngành của Bộ môn, Khoa, Trường.

-        Bên cạnh đó các bạn còn có thể nhận được sự tài trợ từ các chương trình, tổ chức bên ngoài trường nhưvườn ươm của Sở KHCN, quỹ nhà máy bia Việt nam, Holcim,…

44. Sinh viên có bao giờ được giải thưởng về nghiên cứu khoa học chưa?

Trả lời:

Sinh viên ngành công nghệ môi trường đã từng đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học như giải thưởng Euréka, giải thưởng Vifotech,…

 

IV.  Học vụ

45. Làm thế nào để đăng ký môn học?

Trả lời:

Sinh viên được đăng ký môn học là sinh viên không nợ học phí các học kỳ trước đó (SV không bị khóa tên). Sinh viên đăng nhập vào trang online.hcmute.edu.vn bằng Account và Password của riêng mình. Mỗi SV có một Thời khóa biểu dự kiến (SV có thể đăng ký thêm môn học; chuyển nhóm; đổi nhóm; hủy môn học đối với các môn LT) -> Sau đó, sinh viên lưu lại Thời khóa biểu để đi học và khiếu nại sau này (nếu có)

46. Sinh viên muốn mở lớp học lại phải làm sao?

Trả lời:

Sinh viên có thể làm đơn xin mở lớp, kèm theo danh sách SV đăng ký (tối thiểu 30 sv) -> trình Bộ môn để xem xét cử giảng viên đứng lớp và BCN Khoa phê duyệt.

Phòng đào tạo sẽ nhận đơn, xếp thời khóa biểu và mở lớp cho Sinh viên đăng ký học

47. Làm thế nào để rút môn học không phải đóng học phí?

Trả lời:

Trong thời gian đăng ký môn học và thời gian điều chỉnh môn học, SV tự lên mạng rút MH.

48. Rút môn học để không bị điểm kém có được không?

Trả lời:

Làm đơn xin rút môn học có đóng học phí -> nộp Phòng Đào tạo (thời gian: xem Thông báo tại Phòng ĐT). SV nhận lại đơn đã được phê duyệt tại P.ĐT

49. Đăng ký học lại các môn?

Trả lời:

Đăng ký học với các lớp Khóa sau (cùng mã môn học; cùng số tín chỉ).

Đăng ký học với các lớp học lại.

50. Làm sao để trả nợ các môn không còn mở lớp?

Trả lời:

Đăng ký học các học phần thay thế theo Danh sách các môn tương đương của Bộ môn (được lưu ở VP Bộ môn và Phòng Đào tạo) 

Nếu môn học thay thế chưa có trong danh sách các môn tương đương, Sinh viên làm đơn xin học Môn thay thế (với số lượng SV đăng ký đủ để mở lớp theo quy định) -> trình trưởng Bộ môn và Khoa phê duyệt -> nộp Phòng Đào tạo

51. Khi nào Sinh viên thuộc diện bị buộc thôi học?

Trả lời:

Sinh viên Xem Điều 16. Bị buộc thôi học /Sổ tay sinh viên năm 2014(trang 23)

52. Làm sao để xin phúc khảo điểm thi?

Trả lời:

Đối với điểm thi cuối kỳ, nếu sinh viên có nguyện vọng phúc khảo:

SV nhận đơn phúc khảo, điền đầy đủ thông tin (Họ tên, Mã số SV, Lớp, Tên môn học, Mã môn học, Thời gian dự thi, Số báo danh, phòng thi & điểm thi), nộp lệ phí phúc khảo 10.000 đồng  tại Văn phòng Khoa – thời gian là một tuần sau khi công bố điểm thi.

Kết quả phúc khảo sẽ công bố trên Website Khoa

53. Làm sao để xem điểm thi?

Trả lời:

SV đăng nhập vào trang online.hcmute.edu.vn như sau:

                + Username: MSSV

               + Password: MSSV (khuyến khích SV thay đổi password)

SV vào mục “Xem điểm” – nếu muốn xem Điểm quá trình và Điểm thi thì vào mục “Chi tiết”.Vào cuối mỗi học kỳ, Văn phòng Khoa sẽ in bảng điểm cá nhân cho SV và phát cho lớp trưởng để SVkiểm tra và khiếu nại điểm (nếu có)

54. Làm sao để xin điểm I?

Trả lời:

Sinh viên làm đơn gởi Văn phòng khoa (kèm theo các minh chứng cần thiết).

Sau khi có xác nhận của Khoa, SV nộp đơn tại phòng Đào tạo.

Nhận lại đơn xin điểm I theo giấy hẹn của Phòng Đào tạo.

55. Muốn trả điểm I thì phải làm thế nào?

Trả lời:

Khi học phần mà SV đã xin điểm I và được chấp nhận có tổ chức thi kết thúc học phần Sinh viên photođơn xin điểm I (kèm theo bảng gốc) và nộp cho Văn phòng khoa trước ngày thi 1 tuần. Thư ký Khoa sẽ sắp xếp Phòng thi cho Sinh viên.

56. Xem lịch thi cuối Học kỳ ở đâu?

Trả lời:

Dựa theo tiến độ kế hoạch năm học của nhà trường, Phòng đào tạo sẽ gửi lịch thi cho từng cá nhân theo địa chỉ email của Sinh viên (SV lưu ý kích hoạt địa chỉ email của nhà trường để nắm bắt thông tin)hoặc Sinh viên đăng nhập vào trang online.hcmute.edu.vn để xem lịch thi cá nhân.

57. Các môn kết thúc sớm có tổ chức thi sớm không?

Trả lời:

Đối với các môn kết thúc sớm, nếu có nguyện vọng thi sớm thì Lớp và Giảng viên trao đổi về thời gian thi, sau đó báo cho văn phòng khoa/Phòng đào tạo để được bố trí phòng thi và Danh sách dự thi. (nếukhông thi sớm Phòng đào tạo sẽ xếp lịch thi vào cuối học kỳ).

58. Sinh viên có được đóng ý kiến về bài giảng của giảng viên không? Nếu có thì hình thức đó diễn ra như thế nào? 

Trả lời:

Mỗi học kỳ sinh viên được đánh giá về bài giảng, phương pháp giảng dạy, nội dung môn học, giáo trình,… thông qua trang web đánh giá online. Ngoài ra, sinh viên có thể đóng góp ý kiến trực tiếp cho Giảng viên hoặc qua hòm thư của khoa (kcnhtp@hcmute.edu.vn)trong suốt quá trình học. Những ý kiến đóng góp của sinh viên sẽ được tổng hợp và phản hồi đến giảng viên đứng lớp nhằm góp phần giúp giảng viên cải thiện,đáp ứng yêu cầu học tập của sinh viên.

59. Sinh viên có thể cập nhật thông báo của khoa, trường qua kênh thông tin nào?

Trả lời:

Hiện này, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật đang phát triển mạng lưới công nghệ thông tin mạnh mẽ để tiếp cận với môi trường thế giới, do đó, mọi thông báo của trường, Khoa sẽ được thông báo qua WEB khoa, WEB trường và gửi mail đến từng sinh viên.

 

V. Hoạt động đoàn hội

60. Trong Trường có những câu lạc bộ nào? Sinh viên có nên tham gia các câu lạc bộ không?

Trả lời:

Các câu lạc bộ có trong trường: CLB kỹ năng, CLB sáo trúc, CLB anh văn, Đội công tác xã hội, các CLB võ thuật,……Sinh viên nên tham gia các CLB vì khi tham gia sẽ giúp các bạn có thêm nhiều bạn, học hỏi được nhiều điều mới, giúp hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên các bạn phải chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để tránh ảnh hưởng đến việc học.

61.Tham gia các hoạt động của câu lạc bộ thì có được tính điểm công tác xã hội và rèn luyện không?

Trả lời:

Có. Khi tham gia các hoạt động của các CLB cũng giống như các hoạt động của khoa, trường, ban tổ chức hoạt động sẽ lập danh sách để cộng điểm. Tùy theo từng chương trình mà sẽ được cộng điểm công tác xã hội hay điểm rèn luyện.

62. Nếu khi nhập học chưa nộp sổ đoàn thì vào học nộp sổ đoàn ở đâu ?

Trả lời:

Khi nhập học chưa nộp sổ đoàn thì khi vào học các bạn nộp sổ đoàn tại văn phòng Đoàn Trường nằm đối diện đường lên Thư Viện khu B.

63. Nếu bị mất sổ đoàn thì làm thế nào?

Trả lời:

Nếu bạn bị mất sổ đoàn thì có 2 cách để làm lại sổ: bạn có thể về lại đơn vị trước đã làm sổ đoàn để bạn xin lại hoặc đăng kí học lớp kết nạp Đoàn được tổ chức tại trường hàng năm.

64. Nếu chưa được kết nạp đoàn thì trường có tổ chức học kết nạp không? Kết nạp như thế nào?

Trả lời:

Có. Mỗi năm trường đều có mở các lớp học kết nạp đoàn cho các sinh viên chưa kết nạp Đoàn, thời gian mở lớp được Đoàn trường thông báo trong năm. Các bạn sinh viên được đi học và làm bài thu hoạch và được xét để vào đoàn.

65. Nơi tiếp nhận điểm công tác xã hội và điểm rèn luyện ở đâu?

Trả lời:

Khi bạn tham gia các chương trình, hoạt động của khoa, trường hoặc bên ngoài trường, ban tổ chức có nhiệm vụ lập danh sách xác nhận, nộp lại cho đơn vị có quyền nhập điểm cho bạn tùy theo lĩnh vực bạn tham gia. Nơi nhập điểm là: Khoa, các phòng ban, trung tâm,….đảm nhiệm các lĩnh vực có liên quan.

66.  Tham gia những hoạt động nào thì được cộng điểm rèn luyện và điểm công tác xã hội?

Trả lời:

Những hoạt động được cộng điểm rèn luyện và điểm công tác xã hội là những hoạt động do khoa, trường tổ chức có thông báo để đăng kí tham gia hoặc những hoạt động ở ngoài trường mà bạn tham gia có giấy xác nhận, giấy xác nhận nộp lại tại phòng công tác học sinh-sinh viên để cộng điểm. Tùy thuộc vào tính chất của chương trình mà bạn sẽ được công điểm rèn luyện hay điểm công tác xã hội.

67. Tham gia những hoạt động Đoàn-Hội thì có lợi gì?

Trả lời:

Những hoạt động Đoàn-Hội giúp cho bạn có thể học hỏi được nhiều điều mới, hoàn thiện bản thân hơn, thể hiện được bản thân, tự tin trước đám đông hơn, gặp gỡ được nhiều Thầy Cô và bạn bè mới, được ưu tiên cho các học bổng, được cộng điểm rèn luyện, được nhận sự hỗ trợ của Đoàn trường.

68. Nếu tham gia các hoạt động không phải do trường, khoa tổ chức thì có được cộng điểm công tác xã hội và điểm rèn luyện không?

Trả lời:

Nếu các hoạt động ở ngoài trường nằm trong danh mục các hoạt động được tính điểm công tác xã hội hoặc điểm rèn luyện thì bạn phải có giấy xác nhận của đơn vị tổ chức và giấy xác nhận nộp lại tại phòng công tác học sinh-sinh viên để cộng điểm

69. Làm sao để biết những hoạt động của trường, khoa?

Trả lời:

Mỗi bạn sinh viên đều có 1 địa chỉ email do nhà trường cấp, hình thức đăng nhập là mã số sinh viên. Địa chỉ email này là nơi nhận những thông báo của nhà Trường đến sinh viên và cũng là nơi mà các hoạt động do Trường tổ chức. Ở các khoa đều có các cơ sở Đoàn-Hội khoa, các chi đoàn lớp có nhiệm vụ thông báo và triển khai cũng như tổ chức các chương trình để các bạn tham gia. Ngoài ra còn có nhiều kênh thông tin để các bạn biết đến các hoạt động này như các bảng thông báo của khoa, trường, facebook của cơ sở Đoàn, CLB, Khoa, Trường,…

70.  Điều kiện để được vào tổ chức của Đoàn-Hội của khoa là gì?

Trả lời:

Điều kiện để vào Đoàn-Hội là: các bạn sinh viên hoạt động năng nổ, là BCH của lớp sẽ được đề cử vào BCH Đoàn-Hội của Khoa.

 

 

Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Dự án “Sản xuất nui gạo mầm chuối xanh”

nhận giải DỰ ÁN TIỀM NĂNG -

Khoa CNHH&TP, trường ĐHSPKT

  

CUỘC THI PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM MỚI

KHOA CÔNG NGHỆ HÓA VÀ THỰC PHẨM | HCMUTE

  

 

FACEBOOK KHOA CÔNG NGHỆ 

HÓA HỌC & THỰC PHẨM

GROUP ZALO BM CN MÔI TRƯỜNG





 

Copyright © 2013, HCMC University of Technology and Education
Faculty of Chemical and Food Technology
Address: 1 Vo Van Ngan Street, Thu Duc City, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Tel: (+84) 28 37221223 (4 8400)
E-mail: kcnhtp@hcmute.edu.vn 


Truy cập tháng:2,999

Tổng truy cập:2,999